Sáng 29/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, ý kiến của các đại biểu đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu và đã được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về thực hiện các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Theo UBTVQH, dự luật triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC (đã cắt giảm được 27 thủ tục hành chính, từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính), giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Dự thảo luật không quy định những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
So với dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 thì dự thảo luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều.
Như vậy, dự luật trình Quốc hội thông qua đã giảm 4 điều do bỏ 2 điều quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung quản lý Nhà nước về PCCC, CNCH; ghép nội dung 2 điều thành 1 điều (Điều 28); chuyển nội dung Điều 56 thành khoản 6 Điều 55.
Nhà ở đô thị phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy
Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 20), có ý kiến đề nghị thay cụm từ “thành phố trực thuộc Trung ương” tại khoản 5 bằng từ “địa phương” hoặc từ “đô thị” để quy định nhà ở tại các khu vực này phải trang bị thiết bị truyền tin báo cháy.
Theo UBTVQH, nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây.
UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở thuộc các khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về phòng cháy đối với nhà ở sau khi chuyển đổi công năng sang nhà dùng để kinh doanh như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường.
UBTVQH cho biết, đối với nhà ở muốn chuyển đổi công năng như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường phải thực hiện quy trình chuyển đổi công năng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp nhà ở chuyển đổi công năng thành cơ sở (thuộc diện phải quản lý về PCCC) thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với cơ sở quy định tại Điều 23 của dự thảo luật.
Mặt khác, tại khoản 8 Điều 14 của dự thảo luật đã quy định hành vi cấm chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn PCCC.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào Điều 20 của dự thảo luật.