Ngày 28/11, theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, UBND tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo công tác phòng, chống tội phạm năm 2024.
Báo cáo cho thấy, tội phạm liên quan không gian mạng, cơ quan chức năng đã khởi tố 47 vụ, 8 bị can. Con số này nhiều hơn năm trước 35 vụ (tăng hơn 290%) và nhiều hơn 7 bị can (tăng 700%).
Một số hành vi khác cũng xảy ra như lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng;…
Điển hình, đầu tháng 11, Công an huyện Ngọc Hiển đã khởi tố, bắt tạm giam Trương Văn Sang (37 tuổi) và 7 người khác là thuyền trưởng, máy trưởng của các tàu cá về tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
Sang thuê một tàu cá ở Cà Mau đi ra biển hành nghề câu mực. Tuy nhiên, Sang đã thỏa thuận nhận, cất giữ 9 thiết bị giám sát hành trình (VMS) của các tàu cá khác với chi phí 5 triệu đồng/thiết bị.
Sau đó, lực lượng cảnh sát biển kiểm tra phát hiện tàu cá của Sang hoạt động cách đảo Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 28 hải lý, đang vận chuyển 9 thiết bị VMS, nên lập hồ sơ xử lý.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội diễn biến phức tạp, nhưng chưa có giải pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả.
“Một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về công nghệ, tham lợi nhuận, tham gia các hoạt động giao dịch, đầu tư không rõ nguồn gốc trên không gian mạng, dẫn đến “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo”, UBND tỉnh Cà Mau đánh giá nguyên nhân.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo công an tham mưu đầu tư trang thiết bị; bố trí cán bộ có trình độ công nghệ thông tin, nghiệp vụ phù hợp, xử lý tội phạm trên không gian mạng hiệu quả hơn;…
Tỉnh này còn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao để người dân chủ động phòng ngừa, phối hợp lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý.