Starbucks phải dùng bút và giấy vì mã độc tống tiền

Đại diện của Starbucks nói với Fortune rằng tính đến ngày 25/11, nhiều cửa hàng bán lẻ ở Bắc Mỹ vẫn phải dùng đến phương pháp thủ công như bút và giấy để sắp xếp lịch làm việc cho nhân viên. Vấn đề xảy ra sau khi Blue Yonder, một công ty con của Panasonic, bị tấn công mã độc tống tiền (ransomware) vào ngày 21/11. Starbucks là một trong những khách hàng sử dụng Blue Yonder để lên lịch ca làm việc và theo dõi giờ làm việc của nhân viên bán lẻ.

Đại diện Starbucks khẳng định sự cố không ảnh hưởng đến các dịch vụ khách hàng cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ khác. Việc khắc phục vấn đề đang được tiến hành, nhưng chưa hoàn tất.


Khu vực quầy giao nước uống trong một cửa hàng Starbucks. Ảnh: Starbucks

Ngày 21/11, Blue Yonder xác nhận bị tấn công bằng ransomware khiến các dịch vụ của công ty cung cấp cho đối tác bị gián đoạn. “Kể từ khi biết về sự cố, đội ngũ của chúng tôi đã làm việc chăm chỉ cùng với các công ty an ninh mạng nhằm đẩy nhanh quá trình khôi phục, cũng như đã triển khai một số giao thức phòng thủ phòng các vụ tấn công khác xảy ra trong tương lai”, đại diện Blue Yonder cho biết trên website, nhưng không đưa ra thiệt hại cụ thể, ngoài việc “sẽ có thông báo sớm khi cần thiết”.

Ngoài Starbucks, theo ghi nhận của CNN, việc Blue Yonder bị tấn công còn ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, gồm Mỹ, Anh và một số nước châu Âu – nơi nhiều cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, đồ ăn nhanh… đang sử dụng phần mềm cùa hãng. Nói với Bloomberg, đại diện của chuỗi cửa hàng tạp hóa Morrisons của Anh, cho biết sự cố tác động đến hệ thống quản lý kho của công ty.

Blue Yonder thành lập năm 1985, có trụ sở tại Scottsdale (Arizona), hoạt động với hơn 6.000 nhân viên và đạt doanh thu 1,1 tỷ USD mỗi năm. Khách hàng của công ty chủ yếu là các đơn vị sản xuất, tạp hóa, hậu cần bên thứ ba, dịch vụ ôtô và nhà hàng.

Đây không phải lần đầu một công ty buộc phải dùng bút, giấy để xử lý tài liệu thủ công sau khi bị tấn công mạng. Hồi tháng 6, hệ thống quản lý của nhà cung cấp CDK bị tấn công khiến nhiều đại lý ôtô tại Mỹ phải viết tay giấy tờ, sự cố mà Reuters dẫn lời các nhà phân tích tại JPMorgan đánh giá “khiến ngành bán lẻ ôtô rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Bảo Lâm



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × 5 =