Tại nhà máy Zongwei ở Tô Châu, một nhóm kỹ sư đang thử nghiệm hệ thống sản xuất thế hệ tiếp theo để cung cấp cho các nhà máy. Công ty chuyên phát triển dây chuyền tự động và robot này đang nhắm mục tiêu cung cấp các sản phẩm hướng đến “sản xuất thông minh”, gồm sử dụng robot để thay thế sức lao động của con người.
Trung Quốc hiện có khoảng 6 triệu nhà máy đang hoạt động. Tất cả đang nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh trước các đối thủ trong bối cảnh chi phí lao động tăng do dân số trong độ tuổi lao động giảm.
Theo Financial Times, đến nay, chính quyền Trung Quốc đang đẩy nhanh thế hệ công nghệ sản xuất tiếp theo mà họ gọi là “cuộc cách mạng robot”, với mục tiêu tự động hóa nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra do dân số già đi nhanh chóng. Thời gian qua, nhiều khoản tiền lớn của đã đổ vào lĩnh vực này và gặt hái được thành công lớn.
Thống kê từ Liên đoàn Robot quốc tế cho thấy trong một thập kỷ qua, nhờ sự thúc đẩy của chính phủ, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới về robot công nghiệp. Chỉ riêng năm ngoái, nước này lắp đặt hơn 276.000 robot, chiếm hơn một nửa tổng số robot toàn cầu. Từ việc nhập khẩu robot của Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc giờ đây tự chủ được công nghệ sản xuất robot với giá thành chỉ bằng một phần nhỏ.
Nhưng khi robot được tạo ra ngày càng nhiều, các nhà máy trên khắp đất nước lại gặp vấn đề về con người, hay cụ thể hơn là liệu lực lượng lao động có đủ kỹ năng để xử lý những cỗ máy tinh vi này hay không. Thực tế, máy móc phức tạp đòi hỏi kiến thức chuyên môn kỹ thuật, bao gồm kỹ năng kỹ thuật để sửa chữa các bộ phận bị hỏng và hiểu biết về phần mềm quản lý.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đăng trên People’s Daily năm ngoái, ngành sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào gần 300 triệu công nhân, chủ yếu di cư từ nông thôn lên thành thị, bên cạnh số ít được đào tạo từ các trường đại học và dạy nghề. Thời gian qua, dù trình độ học vấn được cải thiện, chỉ 52% công nhân xuất phát điểm từ nông thôn có trình độ học vấn trung học cơ sở, trong khi 14% chỉ có trình độ tiểu học.
“Đây cũng là những người có tiềm năng bị robot thay thế nhiều nhất. Nơi nào ứng dụng nhiều robot hơn, lao động di cư sẽ ngày càng giảm”, Osea Giuntella, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Pittsburgh và là tác giả chính của bài báo về phản ứng của lao động đối với tự động hóa ở Trung Quốc, do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Trung Quốc (NBER) chủ trì, cho biết.
Xu hướng gần đây cho thấy người lao động di cư ngày càng chuyển sang lựa chọn các công việc trong lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn giao hàng hoặc tài xế công nghệ. Theo số liệu của NBS năm 2023, có 28% người lao động di cư làm việc trong ngành sản xuất, nhưng tới 54% làm trong ngành dịch vụ vốn được trả lương thấp hơn.
Còn theo báo cáo của NBER, những lao động khác phản ứng với làn sóng robot nhà máy bằng hai cách: nghỉ hưu sớm hoặc tham gia đào tạo kỹ thuật để có được lợi thế cạnh tranh so với máy móc. “Nền kinh tế đang thay đổi và người lao động phải đưa ra quyết định quyết liệt: tham gia đào tạo hoặc nghỉ, vì họ không còn phù hợp với những thứ đang phát triển”, Giuntella nói.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn có rất nhiều kỹ sư. Henry Han, Chủ tịch của ABB Robotics China, cho biết việc áp dụng robot vào sản xuất đang diễn ra nhanh hơn nhờ “đội ngũ kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề từ hàng trăm trường đại học và trường dạy nghề trên khắp Trung Quốc”. Dù vậy, vẫn cần một khoảng thời gian vài tháng để đào tạo công nhân trình độ cao về máy móc mới trước khi vận hành.
Các trường cũng gặp khó với các chương trình đào tạo để theo kịp công nghệ. Theo nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Phúc Đán, các khóa học tại hầu hết trường đại học hoặc cao đẳng kỹ thuật địa phương thường thiếu thiết bị để dạy các kỹ năng mới nhất. Hình thức đào tạo hiệu quả nhất là được thực hiện thông qua các nhà cung cấp robot và thiết bị sản xuất thông minh, nhưng đa số trường chỉ dựa vào sách giáo khoa hoặc thiết bị lỗi thời.
Nhiều nhà sản xuất robot cũng đưa ra những chương trình riêng để đào tạo công nhân hoặc các giải pháp sao cho khách hàng làm quen nhanh nhất có thể. Jack Xu, Phó tổng giám đốc Zongwei, nói với Financial Times rằng công ty đã cử các nhóm kỹ sư lắp đặt sản phẩm và hướng dẫn cách sử dụng phần mềm vận hành dây chuyền nhà máy.
“Chúng tôi tự xây dựng phần mềm. Nó phải rất dễ sử dụng. Khách hàng không có nhiều thời gian để học những điều mới từ nhà cung cấp. Nếu họ không biết cách sử dụng, họ sẽ luôn gọi cho nhà cung cấp”, Xu giải thích.
Các nhà sản xuất robot đang cạnh tranh khốc liệt. Do đó, các đơn vị cũng cố gắng tạo ra máy móc dễ vận hành và tránh việc khách hàng phải thêm chi phí. Tusk Robots, công ty có trụ sở tại Quảng Châu, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kéo dài khoảng hai tuần để phục vụ khách hàng lớn nhỏ. Một số công ty lớn hơn đã thành lập các viện chuyên ngành để cung cấp chứng nhận chính thức, như ABB Robotics China có viện đào tạo tại Thượng Hải để dạy khách hàng lập trình, bảo trì điện và cơ khí.
Theo Xinhua, kế hoạch hành động do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ban hành đầu năm 2023 cho thấy, nước này sẽ cố gắng tăng gấp đôi mật độ robot sản xuất vào năm 2025 so với năm 2020 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao. Trước đó, theo Báo cáo Người máy Thế giới 2022, Trung Quốc hiện đứng thứ 5 về mật độ robot, với tỷ lệ robot trên 10.000 công nhân trong ngành sản xuất là 322, xếp sau Hàn Quốc (1.000), Singapore (670), Nhật Bản (399) và Đức (397).
Bảo Lâm
- Robot hình người Trung Quốc nâng 16 kg bằng một tay
- Robot hình người của Trung Quốc đang làm được những gì?
- Robot nhỏ ‘rủ rê’ 12 robot lớn bỏ việc
- Robot hình người – cuộc đua mới của Trung Quốc
- Robot Trung Quốc đổ bộ các kho hàng Nhật Bản