Theo dự thảo về Luật sửa đổi An toàn Trực tuyến, được đánh giá là luật mạng xã hội “nghiêm ngặt nhất thế giới”, người dùng dưới 16 tuổi tại Australia không được sử dụng các nền tảng trực tuyến như TikTok, Snapchat và Instagram. Hạ viện Australia đã thông qua dự luật ngày 27/11 và đang chờ Thượng viện hoàn thiện lệnh cấm mạng xã hội đầu tiên trên thế giới này trong hôm nay.
Khi trở thành luật, nó chủ yếu đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp đứng sau mạng xã hội. Những công ty này có thể bị phạt đến 33 triệu USD nếu không ngăn chặn được việc truy cập trái phép của người dùng dưới tuổi quy định.
Kể từ khi dự luật được công bố đầu tháng 11, các công ty sở hữu các mạng xã hội phổ biến đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích. Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đánh giá dự luật “vội vã và khó thực thi”, dù cho biết sẽ tuân thủ. Snapchat cảnh báo “hậu quả không lường trước”. Ngày 26/11, cùng với Google, cả ba kêu gọi hoãn thông qua dự luật vì cần thêm thời gian đánh giá tác động.
Trước đó trên X ngày 22/11, Elon Musk gọi dự luật là “cách kiểm soát truy cập Internet của tất cả người Australia”. Trong bản đệ trình lên chính quyền Australia sau đó, X cho biết có “những lo ngại nghiêm trọng về tính hợp pháp của dự luật”.
Trong khi đó, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết đã nhận được sự khích lệ từ các nhà lãnh đạo ở châu Âu, Bắc Mỹ và New Zealand. “Họ đều đang theo dõi những gì chúng tôi đang làm, và hoan nghênh điều đó”, ông nói trước Quốc hội Australia đầu tuần này.
Tại sao Australia cấm mạng xã hội với người dưới 16 tuổi?
Theo chính quyền Australia, khi soạn thảo, dự luật được thiết kế để bảo vệ giới trẻ, sau khi có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và những hậu quả tiêu cực về sức khỏe tinh thần.
“Mạng xã hội có thể gây hại đối với rất nhiều thanh thiếu niên Australia”, Bộ trưởng Truyền thông Michelle Rowland nói trước Quốc hội tuần trước. “Gần hai phần ba thanh niên từ 14 đến 17 tuổi tại Australia đã xem nội dung online cực kỳ có hại, như bạo lực, ma túy, tự tử, tự hại bản thân. Một phần tư đã tiếp xúc với nội dung khuyến khích thói quen ăn uống không an toàn”.
“Điều này dành cho các bậc cha mẹ”, Thủ tướng Albanese nói. “Tôi đã nói chuyện với hàng nghìn phụ huynh, ông bà, cô dì chú bác. Họ, giống như tôi, lo lắng về sự an toàn của con cái khi chúng online. Tôi muốn các bậc cha mẹ và gia đình Australia biết rằng chính phủ sẽ bảo vệ con cái họ”.
Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ hoạt động thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Luật sửa đổi An toàn Trực tuyến “không quy định cách các nền tảng phải tuân thủ nghĩa vụ độ tuổi tối thiểu”, nhưng lại yêu cầu đơn vị sở hữu nền tảng “thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn”.
Bên cạnh đó, không có ngoại lệ cho phép phụ huynh chủ động cho con em mình tham gia mạng xã hội nếu dưới 16 tuổi. Giới hạn tuổi sẽ có hiệu lực sau một năm nữa.
Nhiều chi tiết khác cũng vẫn còn mơ hồ, như các công ty mạng xã hội xác minh tuổi người dùng thế nào. Theo dự đoán của Bloomberg, một khả năng là các nền tảng sẽ yêu cầu giấy tờ tùy thân do chính phủ cấp. Dù vậy, theo một số nhà phê bình, thông tin cá nhân của hàng triệu người Australia có thể trở thành mục tiêu cho tin tặc.
Giới hạn tuổi cũng không áp dụng cho tất cả mạng xã hội, mà nhắm vào các tên tuổi lớn, có hàng trăm triệu người dùng trở lên như Snapchat, TikTok, Facebook, Instagram và X. Ngoại lệ vẫn dành cho “các dịch vụ với mục đích chính là hỗ trợ sức khỏe và giáo dục người dùng cuối”, như mạng xã hội sức khỏe Headspace và Kids Helpline, hay Google Classroom và YouTube.
Những người phản đối nói gì?
“Luật có thể không tự nó cải thiện tiêu chuẩn an toàn cho tất cả người dùng”, Philippa Collin, đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu trẻ em Young & Resilient Research Center thuộc Đại học Western Sydney, nói với Washington Post. “Thực tế, luật đang trừng phạt người trẻ và ngăn họ truy cập vào những không gian có thể có những lợi ích đáng kể”.
“Làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ ra khỏi các nền tảng mà chúng đang sử dụng trong nhiều năm”, Faith Gordon, giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Australia và là một trong 120 học giả gửi thư phản đối dự luật, đặt câu hỏi. “Điều đó có thể dẫn đến xung đột trong gia đình”.
Một số dự đoán với kỹ năng sử dụng Internet của mình, người trẻ sẽ dễ dàng tìm cách vượt qua giới hạn tuổi, như sử dụng VPN hoặc phương tiện khác. “Điều đó có thể khiến chúng đối mặt với nguy hiểm lớn hơn, bởi chúng ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ”, ông Collin nói.
Giới trẻ Australia cũng đang chia rẽ về dự luật. Một số từng bị bắt nạt trên không gian mạng ủng hộ ý tưởng. Dù vậy, số khác cảnh báo điều này có thể khiến họ bị “cắt đứt liên lạc” với bạn bè và cộng đồng trực tuyến. “Lệnh cấm sẽ phá hủy tình bạn của tôi và làm giảm những gì chúng tôi muốn tiếp cận”, Lucas Lane, một thiếu niên 15 tuổi ở Perth, nói với BBC.
Một số học sinh chia sẻ với Australian Broadcasting Corporation rằng lệnh cấm sẽ khiến việc giữ liên lạc với bạn bè trở nên khó khăn hơn. “Tôi chỉ có Snapchat để nói chuyện với mọi người”, học sinh này nói.
Bảo Lâm